Hương Lan từng chịu đựng những điều không ai chịu được
Trong chương trình Hương Lan và những người bạn, nữ danh ca đã có nhiều chia sẻ xúc động về chuyện đời, chuyện nghề.
Nói về lý do thực hiện chương trình, Hương Lan cho biết: "Tôi làm chương trình này chỉ để chia sẻ với thế hệ sau. Những gì tôi nói ra đều để truyền đạt, góp ý cho họ rút kinh nghiệm".
Nữ danh ca nói rằng, bà muốn thế hệ sau biết được quá trình sống với nghề ra sao, cực khổ thế nào, những vui buồn, đau khổ, dằn vặt lương tâm với nghề.
Bởi chính bà trong quá trình làm nghề đã chứng kiến sự chịu đựng, dằn vặt của những người xung quanh và chính mình.
"Khi nghệ sĩ muốn có tên tuổi, muốn là trung tâm sẽ tìm đủ cách để lăng xê. Thời buổi bây giờ hiện đại, nhiều công nghệ lăng xê hơn, nổi tiếng dễ hơn xưa. Có được tên tuổi đã đành, giữ được mới khó.
Tôi phải cố gắng giữ lại tên tuổi bằng cách tìm bài mới, trung thành với khán giả, nhạc sĩ, với những gì mình đang làm, phải làm hết những gì đam mê trong cuộc đời.
Tôi đã chịu đựng những điều không phải ai cũng chịu được. Nếu là 10 năm trước, tôi chưa chắc dám nói ra những điều đó.
Bây giờ đếm lại, tôi đã trên 60 năm đứng trên sân khấu. Tôi nên nói ra những gì mình chứng kiến, biết được và đã phải chịu đựng ra sao", Hương Lan giãi bày.
Theo bà, người nghệ sĩ rất đa sầu đa cảm. Chính bà cũng có trải nghiệm rõ ràng. Đơn cử, khi gia đình đang hạnh phúc nhưng biểu diễn bài hát về sự dang dở, nước mắt bà vẫn tuôn.
Hương Lan cho rằng, đó là vì đam mê, sống trọn, cảm được tình cảm trong bài hát mới hát thành công được. Bà cho rằng, phải hát bằng tình cảm thì mới đi sâu vào lòng khán giả.
"Ai cũng nói nghệ sĩ có nhiều tình cảm nhưng tôi thấy thời gian qua tình cảm nghệ sĩ dành cho nhau chưa nhiều", Hương Lan thừa nhận.
Hát bằng tình cảm nhiều hơn kỹ thuật
Không chỉ tình cảm với đồng nghiệp, tình yêu với nghề cũng là điều thiêng liêng.
Bà tự nhủ không bao giờ nói bỏ nghề vì Tổ đã cho mình cái nghề không phải ai muốn cũng có được.
Theo Hương Lan, nghệ sĩ có thể tạm ngưng không hát thời gian này hoặc không hát bằng cách này thì hát bằng cách khác nhưng đừng bao giờ nói bỏ nghề.
"Nhưng nói hát tới ngày chết trên sân khấu thì tôi không dám nhận, phải biết dừng lại, dừng để khán giả còn yêu mình. Tuy nhiên, phải biết lựa chỗ mà hát.
Bây giờ tôi vẫn đi hát phòng trà, casino vì còn kiếm tiền nhưng vài năm nữa sẽ ngưng lại. Ngưng lại không phải là nghỉ hát, tôi sẽ hát cho nhà thờ, chùa chiền, chương trình thiện nguyện.
Đi hát ở ngoài bị nói già quá tôi buồn lắm. Nghệ sĩ được trời phú sự trẻ trung hơn người nhưng cũng không thể trẻ mãi. 60 tuổi không thể như 18 tuổi được.
Đó là lý do vì sao tôi mê cải lương nhưng không dám đóng cải lương. Tôi già rồi, không đóng vai trẻ được. Tôi hát bằng tình cảm nhiều hơn kỹ thuật nên cũng không hát nhạc trẻ được.
Nhưng nếu bảo tôi hát về ca ngợi tình yêu, quê hương đất nước thì tôi hát được. Có lần đang vào thu thì tôi bật khóc vì hát về quê hương khi chưa về được Việt Nam. Khi ấy, tôi đi nước ngoài chưa biết ngày nào mới về được.
Tôi hát mà nước mắt cứ tuôn rơi vì bài hát quá đúng tâm trạng lúc đó, không biết khi nào mới thấy được quê hương", nữ danh ca bộc bạch.
Hương Lan tên thật là Trần Ngọc Ánh, sinh năm 1956. Bà là con của cố nghệ sĩ Hữu Phước.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, từ năm 4-5 tuổi, bà đã bước lên sân khấu và được gọi là "thần đồng" khi biểu diễn cùng huyền thoại Thanh Nga.
Bà ghi dấu ấn với dòng nhạc vàng, nhạc cổ truyền và cả cải lương. Một số ca khúc nổi tiếng của danh ca Hương Lan như: "Em đi trên cỏ non", "Điệu buồn phương Nam", "Chiếc áo bà ba"…
Sau năm 1975, danh ca hát ở đoàn cải lương Văn Công, được yêu thích với vở "Cây sầu riêng trổ bông", "Tình yêu và bạo chúa". Sau đó, Hương Lan cùng cha xuất cảnh sang Pháp.
Năm 1988, sau hôn nhân đầu đổ vỡ, Hương Lan kết hôn lần hai với ông Quốc Toản - một kỹ sư hàng không.